Lý do chợ nổi Cái Răng hấp dẫn hơn chợ nổi ở Thái Lan?
Để gìn giữ “báu vật”P. Cần Thơ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng” với tổng mức đầu tư hơn 63 tỉ đồng. Chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) là 1 trong 6 chợ nổi còn lại của ĐBSCL, gồm: Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu
Theo nhiều tài liệu, Cái Răng có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “karan”, nghĩa là “cà ràng – ông táo”, là một loại lò được nắn bằng đất. Trước đây, người Khmer ở Xà Tón (nay thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) làm rất nhiều cà ràng rồi chất đầy trên nhiều mui ghe lớn dọc theo sông Cái, đến đậu ở chợ nổi Cái Răng hiện nay để bán. Năm này qua năm nọ, người dân địa phương phát âm “karan” thành Cái Răng và trở thành địa danh như ngày nay.
Theo Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ, Cái Răng là vùng đất trù phú, được hình thành từ đời vua Minh Mạng. Đến năm 1897, chợ Cái Răng là 1 trong 10 chợ ở Cần Thơ phát triển mạnh. Đến cuối thế kỉ XIX, người Pháp cho đào cụm kinh Ngã Bảy – Xà No, và trong 2 thập kỉ sau đó hệ thống kênh đào được hình thành, giúp việc giao thương ngày càng mở rộng.
Song song với hoạt động của chợ trên bờ, trên sông cũng hình thành một khu chợ với hàng trăm tàu ghe ngày đêm mua bán, trao đổi hàng hoá. Ghe hàng người Việt bán trái cây, rau củ; nhà bè người Hoa bán tạp hoá, còn ghe thương hồ của người Khmer thì bán cà ràng.
Chợ nổi Cái Răng được hình thành vào những năm đầu của thế kỉ XX khi công cuộc đào kinh của Pháp hoàn thành vào năm 1915. Vị trí của chợ nổi lúc này ở nơi giao nhau của 4 con sông: Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn và Cái Răng Bé, liền kề với chợ trên bờ, sát 2 bên cầu Cái Răng hiện nay. Vào đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, do trở ngại giao thông đường thủy, chợ nổi được di dời qua khỏi cầu về hướng Phong Điền, cách vị trí cũ khoảng 1 km.
Hiện tại, chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600 m, với diện tích mặt nước: chiều rộng chiếm luồng ngang sông trung bình từ 100-120 m, chiều dọc sông từ 1,3-1,5 km.
Mỗi ngày, chợ nổi Cái Răng có khoảng 250 – 300 ghe, tàu mua bán sỉ hàng nông sản; trên 30 ghe nhỏ mua bán trái cây, ẩm thực địa phương. Hằng ngày, vào giờ cao điểm còn có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách tham quan. Theo thống kê, năm 2020, chợ nổi Cái Răng đón trên 215.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan
Soạn giả Nhâm Hùng từng nhận định rằng chợ nổi Cái Răng hấp dẫn hơn chợ nổi ở Thái Lan vì chợ này còn giữ được bản sắc và giá trị gốc, vẫn khẳng định là chợ nổi tự nhiên, có quy mô lớn nhất Việt Nam. Chợ nổi Cái Răng đã trở thành biểu trưng văn hóa sông nước độc đáo vùng hạ lưu sông Mê Kông.
Du khách khi đến Cần Thơ thì không ai không một lần đến với “báu vật” của vùng đất Tây Đô. Chị Bùi Kim Phượng (ngụ TP.HCM) rất hồ hởi khi kể về chuyến tham quan chợ nổi Cái Răng. “Gia đình tôi đến bến Ninh Kiều rồi ngồi tàu ra chợ nổi. Trên đường di chuyển, anh lái tàu vui vẻ kể những địa danh đi qua. Các con tôi thì rất phấn khích khi lần đầu tiên thấy nhiều ghe tàu bày bán đủ hàng nông sản, vì ở TP chỉ đi chợ hay vô siêu thị mới thấy bán. Rồi chúng tôi thưởng thức món bún riêu, ăn trái cây của những người dân bày bán trên chiếc ghe lênh đênh sông nước. Một chuyến trải nghiệm rất thú vị” – chị Phượng bày tỏ.
Lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ thăm hỏi và tặng quà cho thương hồ buôn bán trên chợ nổi mỗi dịp Tết Nguyên đán
Tạp chí Du lịch Rough Guide của Anh từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Năm 2016, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã công nhận văn hóa chợ nổi Cái Răng là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Để gìn giữ “báu vật” này, năm 2016, TP. Cần Thơ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng” với tổng mức đầu tư hơn 63 tỉ đồng. Theo đó, sẽ lắp đặt các phao tiêu giới hạn ghe thuyền neo đậu, thành lập ban quản lý chợ nổi Cái Răng, xây dựng cầu tàu chợ nổi, nhà vệ sinh công cộng, du thuyền.
Một số thương hồ đề nghị cơ quan nhà nước cần sắp xếp ghe có trật tự, vớt rác trên sông, có chính sách vay vốn đối với thương hồ và quảng bá chợ nổi nhiều hơn nữa để du khách biết đến.