Lạng Sơn có đặc sản khâu nhục nức tiếng xa gần, không hổ danh “mĩ vị nhân gian” AN NHIÊN
Đặc sản khâu nhục Lạng Sơn quyến rũ thực khách bởi vị thơm bùi béo ngậy, có thể ăn cùng cơm hoặc xôi, nhưng ngon nhất là ăn với bánh gật gù. “Khâu nhục” (hay còn gọi “nằm khâu”) có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là theo phương thức
Đây là món ăn được du nhập từ Trung Quốc, theo phiên âm chữ Hán thì “khâu” nghĩa là “hấp đến mềm rục”, còn “nhục” nghĩa là “thịt”, nên “khâu nhục” có thể hiểu nôm na như món “thịt hấp mềm rục”, hoặc “hấp đến chín nhừ”.
Người Quảng Đông coi khâu nhục là món ăn dân dã nhưng mang ý nghĩa tinh thần to lớn. Có thể nói, khâu nhục đã trở thành món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ quan trọng như đãi khách, đám cưới… của đồng bào dân tộc Tày-Nùng và cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.
Người nấu có thể phải mất cả nửa ngày chế biến món ăn này nhưng thành phẩm cuối cùng thì đảm bảo ngon hết nấc: miếng thịt mềm tan trong miệng với đủ cung bậc cảm xúc và hương vị khác nhau.
Bí quyết để làm món thịt khâu nhục kiểu Quảng Đông sao cho từng thớ thịt tan chảy trong miệng chính là “một luộc sôi, đôi chiên da, ba tiềm thịt”. Đủ 3 bước này, miếng thịt ba chỉ mới chín mềm, thấm đẫm mùi thơm của gia vị, mỡ tan chảy trong veo.
Nguyên liệu đặc trưng
Nguyên liệu để món khâu nhục đạt “chuẩn” không cần quá cầu kỳ nhưng quy trình chế biến lại vô cùng tỉ mỉ, công phu và mất nhiều thời gian hơn thường lệ.
Ngoài húng lìu, ngũ vị hương, tương đen, giấm, rượu, bột ngọt, muối, hạt tiêu, tỏi, ớt, nấm hương, mộc nhĩ, quả mắc mật khô, địa liền… thì phần rau củ không thể nào thiếu khoai môn và cây tàu soi – một loại rau cải muối mặn đặc trưng của bà con dân tộc Tày, Nùng.
Chọn những củ khoai môn thật ngon, gọt và rửa sạch, thái thành từng miếng cỡ ngón tay, chiên vàng. Cây tàu soi ngâm chừng 30 phút để nhả bớt vị mặn, sau đó rửa kỹ lại với nước rồi nắm khô, cắt khúc khoảng 5cm.
Công phu chế biến
“Một luộc sôi”
Thịt ba chỉ mua về rửa sạch, để nguyên tảng cho vào luộc qua nước sôi, vừa loại bỏ chất bẩn, vừa giúp miếng thịt săn chắc hơn.
“Đôi chiên da”
Có thể xoa đều một lớp mật ong lên bề mặt rồi thả miếng thịt vào chảo ngập dầu, chiên ở lửa to khoảng 4-5 phút. Khi thấy phần bì chuyển màu nâu cánh gián đẹp mắt là có thể vớt ra và cho lại vào nồi nước luộc thịt. Việc ngâm trở lại nước luộc giúp miếng thịt mềm và thấm nước dùng, vị càng ngọt và đậm đà hơn.
Khi thịt còn ấm, dùng dao thật sắc thái thịt thành miếng dày khoảng 2cm nhưng không đứt hẳn, vẫn dính nhau ở phần nạc phía dưới.
“Ba tiềm thịt”
Lót 2-3 lá mắc mật xuống đáy bát, xếp rau tàu soi cắt khúc, trộn đều với tương đen, xì dầu, húng lìu, tỏi giã nhỏ và ớt lên trên. Tiếp đến, xếp khoảng 6-8 miếng thịt sao cho phần bì áp chặt vào đáy bát. Rắc thêm chút gia vị, rải 3-4 miếng khoai môn cắt chỉ và hạt mắc mật giã nhuyễn lên trên.
Hỗn hợp “nước lủ” chế biến theo công thức “bí truyền” từ đậu phụ thối và gia vị đặc trưng sẽ được rưới một lớp mỏng trước khi dùng màng bọc thực phẩm bao kín lại. Cuối cùng, đặt bát khâu nhục vào nồi hấp cách thủy với lửa liu riu khoảng 3-5 tiếng.
Dư vị đậm đà
Sau khi hoàn thành, khâu nhục được cho ra đĩa sâu lòng. Cách bài trí đúng chuẩn là đặt chiếc đĩa lên miệng bát rồi úp ngược lại. Thao tác phải thật nhẹ nhàng, đôi tay khéo léo lật úp để món ăn có tạo hình đẹp mắt và nước thịt không bị bắn ra ngoài.
Người ta thường đánh giá khâu nhục theo tiêu chí của thịt kho tàu với thành phẩm mềm mại, lớp bì chín vàng đều, không bị cháy xém hay mềm nhũn.
Theo người dân nơi đây chia sẻ, cách ăn khâu nhục chuẩn nhất là gắp một đũa có cả rau lẫn thịt, nhai thật chậm để miếng thịt từ từ tan trong miệng. Người ăn sẽ cảm nhận được phong vị cân bằng giữa mùi thơm của mắc mật, bùi ngậy của khoai môn hòa quyện với hương thơm ngào ngạt các gia vị của núi rừng.