Hương vị miền Trung trong “dắt xúc bánh đa”

Hương vị miền Trung trong “dắt xúc bánh đa”

Thịt dắt xào xúc bánh tráng là món đặc sản của nhiều vùng quê miền Trung. Đây là món ăn dân dã, rẻ tiền được nhiều người ưa thích bởi giàu đạm nhưng không quá cầu kỳ trong cách chế biến. Thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh vỏ, dắt sống chủ yếu ở vùng nước

Thịt dắt xào xúc bánh tráng là món đặc sản của nhiều vùng quê miền Trung. Đây là món ăn dân dã, rẻ tiền được nhiều người ưa thích bởi giàu đạm nhưng không quá cầu kỳ trong cách chế biến.

Thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh vỏ, dắt sống chủ yếu ở vùng nước lợ tại khu vực cửa sông ven biển, đầm phá và thường bị nhầm với hến và ngao. Nếu nhìn bề ngoài, dắt nhỏ hơn hến và có màu đen sậm vì chúng thường nấp dưới cát để trốn kẻ thù và tìm kiếm thức ăn.

Do tập tính của dắt thường đi kiếm ăn vào buổi sáng nên muốn bắt, người dân ven cửa sông, biển phải dậy từ rất sớm. Dụng cụ chủ yếu để khai thác dắt là những vợt lưới được chế tạo chuyên biệt để có thể cào dưới nước.

Những hôm nắng to, dắt thường ngoi lên bờ thì chỉ cần lội chưa qua đầu gối là có thể cào được dắt. Ngược lại, những hôm mưa gió thì việc bắt dắt sẽ khó khăn hơn nhiều vì phần lớn dắt lặn dưới đáy sâu.


Nguyên liệu gồm thịt dắt, hành khô, hành phi, ớt tươi…


Dắt sau khi được luộc chín đem đãi lấy thịt.


Thịt dắt được đem xào cùng với gia vị như hành, ớt…


Bánh đa được nướng vàng đem ăn kèm cùng thịt dắt xào.


Món “dắt xúc bánh đa”

Công đoạn sơ chế dắt gồm 2 phần chính, ngâm nước gạo để dắt nhả hết cát và cho vào rổ chà thật mạnh làm sạch lớp bùn còn bám lại ngoài phần vỏ.

Cho dắt vào nồi luộc, dùng đũa đảo mạnh tay để dắt mở hết vỏ ra, lộ phần thịt (ruột) ra ngoài. Vớt dắt ra một rổ thưa rồi đưa vào trong chậu nước đãi lấy thịt. Nước luộc dắt thường dùng để nấu canh, kết hợp với rau muống hay rau mồng tơi sẽ cho vị rất ngọt và mát.

Sau khi đã luộc và lọc xong, thịt dắt sẽ được đem xào với ớt và hành đã được phi thơm, sau đó dọn ra đĩa rắc hành khô phi vàng lên trên và cuối cùng là dùng bánh tráng xúc ăn.

Bẻ miếng bánh tráng, rồi xúc một ít thịt dắt đưa vào miệng, vị ngọt của dắt, giòn của bánh tráng, thơm của hành phi quyện lại nơi đầu lưỡi đem lại hương vị đậm chất miền Trung thật khó quên.

Thực hiện: Trần Thanh Giang

Bình luận